Các chị em thường có chung thắc mắc khoa Sản bệnh viện 108 có tốt không? Có nên đăng ký sinh ở viện 108 không? Thủ tục, quy trình, chi phí đẻ mổ và đẻ thường bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ra sao. Giờ thăm bệnh nhân có khắt khe không. Cần chuẩn bị những gì khi đi đẻ viện 108, …
Để có được lời giải đáp cụ thể, các mẹ hãy cùng chúng tôi lắng nghe chia sẻ của mẹ Miu (Hà Nội) để có cái nhìn tổng quan và chân thực nhất nhé.
LỜI MỞ ĐẦU – KINH NGHIỆM ĐI ĐẺ VIỆN 108
Xin chào tất cả các mẹ!
Tôi là Huệ, sinh năm 1991 và hiện mang thai bé gái lần đầu. Ngày dự sinh của bé là 9.1.2020. Gia đình tôi ngóng từng ngày bé chào đời nhưng mãi chưa có dấu hiệu sinh.
Trước kia mình cũng chia sẻ về kinh nghiệm làm hồ sơ sinh ở viện 108, cũng như quy trình khám thai ở đây. Nếu quan tâm, bạn có thể tham khảo tại bài viết này
Đúng ngày 9.1.2020, 2 vợ chồng đến viện 108 khám thai định kỳ. Khi này thai đã được 40 tuần. Cũng chính hôm này, tôi được bác sĩ chỉ định nhập viện.
Ở bài viết dưới đây, tôi sẽ chia sẻ toàn bộ hành trình vượt cạn cũng như kinh nghiệm đi đẻ viện 108 của mình. Nếu các mẹ có ý định lựa chọn khoa Sản bệnh viện 108 hoặc có thắc mắc về thủ tục, quy trình, chi phí đẻ mổ, giờ thăm, … hãy cùng theo dõi nhé.
HÀNH TRÌNH ĐI SINH TẠI VIỆN QUÂN ĐỘI 108
Tôi đăng ký đẻ tại khu nhân dân, có bảo hiểm y tế viện 108, hưởng 80% bảo hiểm.
NGÀY THỨ 1 (9/1/2020) : LÀM THỦ TỤC NHẬP VIỆN
- Từ 7h30- 9h: 2 Vợ chồng đến viện làm thủ tục khám thai 40 tuần theo lịch hẹn bác sĩ. Nội dung gồm: Khám thai, đo huyết áp, siêu âm thai, xét nghiệm nước tiểu.
- 10h30p: Quay lại phòng khám nghe chỉ định. Bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay.
- 11h: Xuống quầy thu ngân đóng 4 triệu tiền ứng + nhận hồ sơ nhập viện.
- Từ 11h30- 12h : Sang tầng 9 tòa nhà 21 tầng làm thủ tục nhập viện. Đến thang máy nhờ anh bảo vệ quẹt thẻ và nhấn thang máy tầng 9. Nhớ nói với anh ấy là em đi đăng ký đẻ và cho anh ấy xem hồ sơ nhập viện nhé.
- Lên tầng 9, đi đến quầy lễ tân, lúc này bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết về thủ tục nhập viện
+Nhân viên y tế thu lại tất cả giấy siêu âm + xét nghiệm từ những lần khám thai trước để cho vào hồ sơ sinh.
+2 vợ chồng được tư vấn về giá phòng, giờ thăm. Tôi đăng ký chọn phòng bình thường, giá 150k/ngày cho thai phụ và 200k/ngày cho người thân. (Nếu bạn có điều kiện, có thể lựa chọn phòng vip hơn, giá 600 – 2 triệu/ngày. Bạn sẽ được ở riêng 1 phòng. Phòng có ti vi, tủ lạnh, người nhà vào thăm 24/24h.)
+Được phát tư trang nhập viện. Bao gồm áo, váy, tã lót cho bé. Vật dụng cá nhân cho mẹ (khăn mặt, lược, kem đánh răng, bàn chải, dầu gội, quần lót dùng 1 lần, dao cạo râu cho bố).
+2 vợ chồng phải ký giấy cam kết tuân thủ thời gian vào thăm.
- 12h: Đo monitor + khám phụ khoa, khám trong. Bác sĩ tư vấn xương chậu hẹp, em bé trên 3 kg khó đẻ thường. Khuyến khích sinh mổ. Tuy lúc đầu tôi rất muốn sinh thường nhưng sau khi nghe tư vấn, để an toàn cho con tôi quyết định sinh mổ.
(Hôm nay là ngày rằm. Dân gian quan niệm gái ngày rằm ghê gớm, khó nuôi nên tôi có chủ động xin bác sĩ cho phép mổ đẻ vào ngày mai. Rất may mắn là bác sĩ đồng ý).
- Từ 13h30- 17h :
+Cứ 2 tiếng, nhân viên y tế lại gọi vào phòng đo tim thai 1 lần. Bắt đầu từ lúc này, tôi đã phải mặc quần áo viện phát.
+Tôi và 2 chị cùng sinh mổ vào ngày mai được bác sĩ gọi vào phòng riêng. Bác sĩ giúp tư vấn về tình trạng sức khỏe mỗi người cùng những rủi ro hi hữu có thể gặp phải. Đồng thời dặn dò chúng tôi lịch mổ ngày mai.
- 18h : Ăn bữa tối đầu tiên trong bệnh viện. Sau đó tắm gội, thay đồ sạch sẽ.
- Từ 20h- 23h : Xung quanh các chị kêu gào vì đau đẻ khá dữ dội nên đêm nay tôi hơi trằn trọc. 2 vợ chồng cứ nằm xíu lại dậy đi dạo quanh tầng 9 cho thoải mái.
NGÀY THỨ 2 (10/1/2020) : SINH MỔ THÀNH CÔNG
Với tôi, đây là ngày vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Chỉ vài phút giây nữa, tôi sẽ được đón con gái đầu lòng. Hạnh phúc không từ nào tả hết.
- 5h: Tôi và 2 chị mổ cùng ngày dậy vệ sinh cá nhân để chuẩn bị đi thụt phân.
- 5h15 : Sau khi thụt phân, tôi về phòng tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho sạch sẽ.
- 6h : Đến phòng sát trùng để y tá vệ sinh vết mổ.
- 8h : Tôi và 2 chị nữa được đưa đến phòng mổ.
- 8h15 : Tôi là người được chỉ định mổ đầu tiên. Do đó, tôi được đưa vào phòng mổ trước. 2 chị đợi ở ngoài chờ đến lượt.
+Tôi được hướng dẫn nằm lên bàn mổ và cởi bỏ hết quần áo. Các chị y tá bắt đầu cắm đầy dây rợ quanh người tôi. Tiếng máy đo huyết áp vang lên.
+Bác sĩ hỏi tôi 1 số câu hỏi về tên tuổi, hướng dẫn tôi nằm cong người để gây tê tủy sống. Thuốc tiêm khiến lưng tôi đau buốt. Chân tay dần mất hết cảm giác.
+Lúc này, mắt tôi đã mỏi rã rời chỉ muốn đi ngủ nhưng lý trí mách bảo tôi phải cố thức để ngắm con. Suốt thai kỳ, chưa lần nào siêu âm bác sĩ thấy mặt bé cả. Do đó, tôi vẫn chưa thể hình dung con gái mình có khuôn mặt ra sao.
- 8h50 : Tiếng oe oe rất to của con vang lên. Bác sĩ thông báo bé khỏe mạnh, ra đời lúc 8h50p. Y tá đưa con ra cho tôi ngắm giây lát rồi đi luôn.
- 9h30 -10h30: Tôi được đưa ra khỏi phòng mổ. Họ đưa tôi đến phòng hậu phẫu rất rộng. Có rất nhiều người đã mổ trước đó được đưa về đây. Trong thời gian chờ đợi, do ảnh hưởng của thuốc mê nên tôi rất lạnh, mặt và cổ còn bị ngứa nữa. Tôi phải xin y tá thêm chăn để đắp.
- Lưu ý, lúc này chồng hoặc người thân sẽ được y tá hướng dẫn lấy đồ cá nhân, ga trải giường từ phòng chờ đẻ đến phòng hậu phẫu để mẹ và bé nằm.
- 11h: Tôi được đưa về phòng, người nhà vào thăm. Con gái cũng được đưa về với mẹ. Nhìn con nhỏ xíu nằm ngo ngoe bên cạnh, miệng chúm chím đòi ăn hạnh phúc lắm.
- Từ 11h – tối: Do sinh mổ nên tôi phải truyền 6 chai nước biển to. Tôi cũng phải thông tiểu nữa nên chỉ nằm yên được 1 chỗ. Việc chăm con và vệ sinh cá nhân tôi phải nhờ đến mẹ và các chị y tá. Sau khi tiếp hết các chai nước này, tôi phải tự di chuyển về phòng bệnh bình thường mà mình đã đăng ký từ trước. Tôi khá khỏe nên có thể tự đi bộ được, ai đau nhiều có thể mượn xe lăn để di chuyển.
- Lưu ý: Gia đình tôi có chuẩn bị 2 phong bì cảm ơn bác sĩ và y tá. Cái này là tùy tâm, không ép buộc. Cả ê kip đã vất vả giúp đỡ việc sinh nở nên việc cảm ơn tôi thấy cần thiết.
NGÀY THỨ 3+ 4 (Từ 11/1 đến 12/1/2020):
- Từ 6h-7h: Bệnh viện phát cháo cho tôi ăn tại phòng. Người nhà có phiếu ăn sáng tại căng tin tầng 1. Sau 7h, người nhà phải rời khỏi phòng.
- Từ 9-10h: Tôi và bé được chăm sóc bởi nhân viên y tế.
+Bé được đón đi tắm.
+Tôi được y tá tiêm thuốc, thay băng, vệ sinh vết mổ, rửa vùng kín để khử mùi sản dịch.
+Tôi được đổi quần áo, chăn ga mới vào buổi sáng. Sẽ có nhân viên bệnh viện đi thu và phát mỗi sáng.
- Từ 11h00 đến 12h30: Người nhà được vào thăm, phụ mẹ chăm bé.
- 18h00: Bệnh viện phát cơm chiều cho mẹ.
NGÀY THỨ 5 (13/1/2020): LÀM THỦ TỤC XUẤT VIỆN
Sinh mổ chỉ cần nằm viện 3 ngày. Nhưng tôi dính cả vào ngày chủ nhật nên phải đến thứ 2 mới ra viện.
- 6h: Ăn cháo bữa cuối cùng tại viện.
- Từ 9-10h: Bé được đi tắm. Mẹ được thay rửa vết mổ và vùng kín.
- 10h: Thu xếp đồ đạc, đem trả quần áo của mẹ và bé, chăn ga tại phòng trả đồ. Nhà tôi bị mất 1 tã của bé phải đền 50k. Mọi người lưu ý giữ gìn đồ cẩn thận nhé.
- 11h: Chồng và mẹ tôi lên giúp tôi dọn đồ về. Chồng trả thẻ xanh thăm bệnh nhân. Hãy nhớ trả thẻ nhé, nếu không sau này sẽ bị tính thêm tiền.
- Viện phí sẽ thanh toán vào ngày hôm sau với những trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế như của tôi.
- Giấy chứng sinh của bé sẽ được phát khi bạn thanh toán viện phí. Hãy kiểm tra kỹ thông tin trên giấy chứng sinh để tránh những sai sót về sau.
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC THƯỜNG GẶP KHI ĐI ĐẺ VIỆN 108
Xoay quanh việc đi đẻ viện 108, có rất nhiều điều chị em muốn tìm hiểu. Tôi xin được tổng hợp tại đây để chị em tiện theo dõi.
1.Thời gian thăm bệnh nhân bệnh viện quân đội 108 như thế nào?
Bệnh viện quân đội 108 có quy định về thời gian thăm người bệnh khá nghiêm ngặt. Nếu bạn có người nhà đi đẻ hoặc nằm viện, hãy đọc kỹ thời gian làm việc của viện để sắp xếp thời gian thăm phù hợp.
Hiện tại, thời gian thăm bệnh nhân tại bệnh viện quân đội 108 được quy định như sau:
- Sáng: Từ 6h00 đến 7h00.
- Trưa: Từ 11h00 đến 12h30.
- Chiều: Từ 17h00 đến 21h00.
- Tối: Từ 21h trở đi chỉ được 1 người nhà ở lại với bệnh nhân.
Lưu ý:
- Riêng thứ 7 và Chủ nhật, thời gian thăm bệnh nhân diễn ra sớm hơn 1 tiếng so với ngày thường.
- Mỗi bệnh nhân chỉ được 2 người thăm/lượt và phải có thẻ.
- Phải đeo thẻ trong suốt thời gian thăm bệnh nhân. Nếu mất thẻ sẽ phải ra ngoài và đền tiền theo quy định.
2.Thủ tục vào thăm bệnh nhân tại bệnh viện Trung ương quân đội 108 như thế nào?
Bệnh viện Trung ương quân đội 108 luôn đề cao tính bảo mật và an toàn. Do đó, ngoài việc ghi nhớ giờ thăm bạn cũng nên chú ý tới thủ tục thăm bệnh nhân.
- Đến sớm hơn 30 phút so với giờ vào thăm. Mang theo chứng minh thư (hoặc bằng lái xe, thẻ visa, … Hoặc cược 500k nếu quên không mang giấy tờ tùy thân ) đến quầy lễ tân tầng 1 đăng ký thẻ thăm người bệnh (thẻ dây màu cam). Nhớ đọc tên thai phụ, quê quán, tầng 9…
- Khi đã có thẻ thăm bệnh nhân, bạn di chuyển đến khu vực thang máy xếp hàng. Hãy nói với nhân viên an ninh số tầng bạn muốn lên. Ví dụ đi thăm người đẻ là tầng 9. Họ sẽ giúp bạn bấm số tầng theo mong muốn.
- Lên tầng 9, bạn hãy tìm số phòng mà người bệnh đang nằm. Sảnh tầng 9 có bàn lễ tân, các bạn có thể nhờ họ nếu gặp khó khăn.
- Hãy luôn đeo thẻ trong suốt giờ vào thăm bởi nhân viên an ninh có thể đi kiểm tra bất cứ lúc nào.
- Hết giờ vào thăm, loa bệnh viện sẽ thông báo. Bạn nên rời phòng bệnh, ra thang máy xuống tầng 1. Không nên nán lại lâu bởi có thể gặp rắc rối với nhân viên an ninh.
- Quay lại bàn lễ tân trả thẻ ra vào. Sau đó bạn có thể lấy lại giấy tờ tùy thân và ra về.
3.Chi phí đi đẻ ở viện 108 là bao nhiêu, có đắt không?
Tùy từng trường hợp mà chi phí đi đẻ ở viện 108 có sự chênh lệch. Như tôi, do có bảo hiểm đúng tuyến viện 108 nên chi phí đi đẻ được hỗ trợ 80%. Tổng cộng số tiền tôi phải chi trả là 4.800.000 đồng.
Trong đó bao gồm: 1.750.000 đồng (Tiền phòng cho mẹ và người thân trong 5 ngày) + 3.050.000 phí dịch vụ y tế sinh mổ.
Chi phí đẻ thường tại viện Quân đội 108 dao động từ 1-2 triệu. Chưa bao gồm tiền phòng đối với người có bảo hiểm y tế.
Chi phí sinh con tại bệnh viện Trung ương quân đội 108 được đánh giá là khá hợp lý. So với những dịch vụ y tế đi kèm đều rất tốt. Chị em nên cân nhắc và lựa chọn.
4.Phải chuẩn bị những vật dụng gì khi đi đẻ tại viện quân đội 108?
Nếu đăng ký sinh tại bệnh viện 108, bạn sẽ được bệnh viện hỗ trợ rất nhiều vật dụng thiết yếu cho mẹ và bé. Cụ thể:
- Đối với mẹ:
+Bệnh viện sẽ phát cho mẹ tư trang đủ dùng cho 3 ngày nằm viện. Bao gồm: Quần áo, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, lược, khăn mặt, dao cạo râu (cho bố).
+Sau sinh, bệnh viện cũng phát cho mỗi mẹ 1 hộp sắt uống dạng ống. 2 Hộp cốm lợi sữa, chỉ cần hòa nước ấm là có thể sử dụng ngay.
- Đối với bé: Bệnh viện sẽ phát cho mỗi bé tã chéo, áo, mũ, khăn ủ loại mỏng. Ngoài ra còn có thêm sữa tắm, nước muối sinh lý.
- Lưu ý cho bạn:
Bệnh viện quân đội 108 không cho phép các gia đình mang những vật dụng cồng kềnh đến viện. Ví dụ như phích nước, chậu rửa, … Do đó, các mẹ nên cân nhắc đồ đạc mang theo.
Đối với tôi, tôi chuẩn bị 1giỏ đồ đựng những thứ thiết yếu sau:
- 1 Bộ đồ cho mẹ và 1 bộ đồ cho bé mặc khi ra viện.
- Tất chân, bông bịt tai cho mẹ. Tất chân, tất tay cho bé. Ủ kén (nếu sinh bé mùa lạnh).
- Do sinh mổ sữa chưa về nên chuẩn bị sữa thanh, bình sữa, cọ bình.
- 1 Bình nước giữ nhiệt đựng nước nóng. Vừa để pha sữa cho con vừa pha ngũ cốc cho mẹ.
- Tã, bỉm, khăn sữa, kem chống hăm cho con. Khăn giấy khô đa năng để vệ sinh cho bé.
5.Dịch vụ sinh con trọn gói ở viện 108
Hiện tại, dịch vụ sinh con trọn gói ở viện 108 (hay còn gọi là đẻ dịch vụ 108) được rất nhiều mẹ quan tâm.
Chi phí sinh con trọn gói tại bệnh viện 108 dao động từ 30 triệu trở lên. Mức phí này khá cao do đó bạn nên cân nhắc về tài chính khi lựa chọn.
Một số ưu điểm khi sinh con trọn gói bệnh viện Trung ương 108 là:
- Được theo dõi sức khỏe xuyên suốt thai kỳ.
- Được chủ động chọn giờ mổ, chọn bác sĩ mổ theo mong muốn.
- Bệnh viện sẽ giúp bạn chuẩn bị đầy đủ từ A-Z. Mẹ chỉ cần đến viện và sinh con, ngoài ra không cần mang theo bất cứ thứ gì.
- Sau khi sinh, mẹ và bé được nằm phòng riêng có người nhà chăm sóc 24/24h. Phòng có giường riêng cho người nhà.
- Phòng sau sinh có ti vi, nóng lạnh, điều hòa, tủ lạnh. Giúp mẹ có cảm giác tiện nghi như ở nhà.
- Bé được kiểm tra sức khỏe toàn diện sau sinh.
- Mẹ và người thân được chăm sóc 3 bữa ăn chính.
6.Đánh giá ưu, nhược điểm khi đi đẻ tại bệnh viện 108?
Là người đã từng trải nghiệm dịch vụ sinh con tại bệnh viện Quân đội 108, tôi xin đưa ra một vài đánh giá khách quan như sau.
6.1.Ưu điểm khi đi đẻ tại bệnh viện 108
- Tầng 9 tòa nhà 21 tầng cực kỳ thoáng mát, sạch sẽ. Cứ 2-3 tiếng có nhân viên dọn phòng 1 lần. Đảm bảo ở viện nhưng sạch hơn ở nhà.
- Tuy tôi chọn phòng thường 150k/ngày nhưng mỗi phòng chỉ có 3- 5 giường. Tuyệt đối không phải nằm ghép giường. Phòng có nóng lạnh, điều hòa, nhà vệ sinh khép kín nên không phải đi xa.
Ở các viện khác, phòng trang bị đầy đủ như vậy thường có giá dao động từ 500 – 2 triệu.
- Trong 150k/ngày tiền phòng còn bao gồm 3 bữa ăn cho bạn. Sáng là cháo thịt băm. Trưa và tối là cơm rau thịt đầy đủ và đa dạng. Đồ tráng miệng là hoa quả, sữa.
- Người thân ở lại qua đêm được ăn sáng tại căng tin bệnh viện. Đồ ăn cũng khá ngon và đa dạng. Từ bánh mỳ, bún, phở, xôi, cơm đều đủ cả. Nếu bạn không ăn những thứ đó, có thể lấy 1 lốc sữa mang về phòng.
- Trong những lúc không có người nhà chăm sóc, y tá bệnh viện sẽ luôn túc trực giúp đỡ bạn. Thái độ chăm sóc cực kỳ nhẹ nhàng, niềm nở.
- An ninh cực tốt. Bạn có thể để đồ đạc tùy ý mà không lo mất trộm. Cũng không phải đau đầu nghe những người đến rao bán thuốc, mời gọi thông tắc sữa, đồ ăn vặt như những viện khác.
- Tại Hà Nội, khoa Sản bệnh viện 108 là nơi duy nhất sử dụng kỹ thuật cắt cuống rốn bằng tia laze cho bé. Do đó, việc chăm sóc bé sau sinh sạch sẽ, dễ dàng hơn rất nhiều.
- Tại các sảnh bệnh viện có sẵn cây nước nóng lạnh. Các mẹ có thể mang bình, chai ra lấy về dùng. Không phải mang nước từ nhà đi hoặc đi mua.
- Chi phí sinh thường và sinh mổ ở viện 108 khá hợp lý với những người có bảo hiểm y tế.
6.2.Nhược điểm khi đi đẻ tại bệnh viện 108
Đôi khi những ưu điểm của bệnh viện 108 cũng chính là những nhược điểm của họ.
- Do giới hạn giờ vào thăm bệnh nhân nên khi không có người nhà 2 mẹ con phải tự xoay sở. Tôi vừa sinh mổ xong chưa đi lại được nhiều, con thì quấy khóc. Lúc đó cảm thấy khá bất lực. Tôi phải nhờ sự giúp đỡ của những chị nằm cùng phòng hoặc y tá. Nhưng nhờ nhiều cũng hơi ngại đành tự xoay xở.
- Mỗi lần muốn vào thăm, người nhà tôi phải đến từ sớm xếp hàng dài đăng ký mượn thẻ. Sau đó lại xếp hàng chờ vào thang máy. Điều này gây tốn kém khá nhiều thời gian và công sức.
- Do không phải là bệnh viện chuyên Sản nên các mẹ cân nhắc khi lựa chọn. Nếu thai khỏe mạnh, phát triển bình thường có thể đẻ tại 108. Ngược lại, nếu thai có vấn đề bất thường nên đến các bệnh viện chuyên khoa Sản như Phụ sản Trung ương, phụ sản Hà Nội, … để được xử lý tốt hơn.
LỜI KẾT
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu đến chị em kinh nghiệm đi đẻ mổ viện 108 của chị Huệ. Hy vọng, những chia sẻ chi tiết của chị đã giúp các bạn nắm được thủ tục, quy trình, chi phí, giờ thăm, ưu nhược điểm của bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân.
Ông bà ta có câu: « Cửa sinh là cửa tử ». Chị Huệ đã vượt cạn thành công với nhiều trải nghiệm quý giá. chúng tôi luôn mong các chị em trải qua kỳ sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông. Dù lựa chọn bất kỳ cơ sở y tế nào, sự an toàn của 2 mẹ con vẫn là quan trọng nhất.
Các tìm kiếm liên quan đến đi đẻ ở viện 108
De ở viện 108 năm 2018
Làm hồ sơ sinh ở viện 108 năm 2019
Đăng ký sinh ở bệnh viện 108 năm 2019
Chi phí sinh thường bệnh viện 108
Review sinh con trọn gói bệnh viện 108
Khám thai ở bệnh viện 108 có tốt không
Khoa sản bệnh viện 108
Sinh con trọn gói tại bệnh viện 108
Dịch vụ sinh trọn gói tại bệnh viện 108
Dịch vụ sinh con trọn gói bệnh viện 108
Sinh con trọn gói 108
Đẻ dịch vụ 108